Trích khấu hao tài sản cố định theo phương pháp đường thẳng là phương pháp trích khấu hao theo mức tính ổn định từng năm vào chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp của tài sản cố định tham gia vào hoạt động kinh doanh, thường áp dụng với máy móc, thiết bị..
Tài sản cố định trong doanh nghiệp được trích khấu hao theo phương pháp khấu hao đường thẳng như sau:
1. Cách xác định mức trích khấu hao trung bình hàng năm cho tài sản cố định theo công thức dưới đây:
Mức trích khấu hao
trung bình hàng năm của tài sản cố định
|
= |
Nguyên giá của tài sản cố định |
----------------------------------- |
Thời gian trích khấu hao |
Trong đó:
* Nguyên giá tài sản cố định:
+ Nguyên giá tài sản cố định hữu hình là toàn bộ các chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra để có tài sản cố định hữu hình tính đến thời điểm đưa tài sản đó vào trạng thái sẵn sàng sử dụng.
+ Nguyên giá tài sản cố định vô hình là toàn bộ các chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra để có tài sản cố định vô hình tính đến thời điểm đưa tài sản đó vào sử dụng theo dự tính.
Chi tiết về cách xác định nguyên giá tài sản cố định các bạn xem tại đây: Cách xác định nguyên giá tài sản cố định
* Thời gian trích khấu hao:
Thời gian trích khấu hao TSCĐ: là thời gian cần thiết mà doanh nghiệp thực hiện việc trích khấu hao TSCĐ để thu hồi vốn đầu tư TSCĐ.
Chi tiết về cách xác định thời gian trích tài sản cố định các bạn xem tại đây: Khung thời gian trích khấu hao TSCĐ
2. Cách xác định mức khấu hao hàng tháng:
Cách xác định mức trích khấu hao trung bình hàng năm cho tài sản cố định theo công thức dưới đây:
Mức trích khấu hao
trung bình hàng tháng
|
= |
Số khấu hao phải trích cả năm |
----------------------------------- |
12 tháng |
3. Lưu ý:
- Trường hợp thời gian trích khấu hao hay nguyên giá của tài sản cố định thay đổi, doanh nghiệp phải xác định lại mức trích khấu hao trung bình của tài sản cố định bằng cách lấy giá trị còn lại trên sổ kế toán chia (:) cho thời gian trích khấu hao xác định lại hoặc thời gian trích khấu hao còn lại (được xác định là chênh lệch giữa thời gian trích khấu hao đã đăng ký trừ thời gian đã trích khấu hao) của tài sản cố định.
- Mức trích khấu hao cho năm cuối cùng của thời gian trích khấu hao tài sản cố định được xác định là hiệu số giữa nguyên giá tài sản cố định và số khấu hao luỹ kế đã thực hiện đến năm trước năm cuối cùng của tài sản cố định đó.
Chú ý: Đối với tài sản cố định các bạn đưa vào sử dụng từ ngày nào thì chúng ta được trích khấu hao đưa vào chi phí từ ngày đó. Vì vậy để lấy chính xác chi phí khấu hao tài sản cố định các bạn tách ra số ngày sử dụng thực tế trong tháng.
Sau đây Kế Toán Thiên Ưng sẽ lấy 1 ví dụ cụ thể để các bạn có thể hình dung rõ cách tính khấu hao TSCĐ theo phương pháp đường thẳng:
Công ty Kế Toán Thiên Ưng mua một máy Photo (mới 100%) với giá ghi trên hoá đơn là 45 triệu đồng, chi phí vận chuyển là 2 triệu đồng, chi phí lắp đặt, chạy thử là 1 triệu đồng.
Biết rằng:
- Máy Photo có tuổi thọ kỹ thuật là 5 năm.
- Thời gian trích khấu hao của máy Photo Công ty Kế Toán Thiên Ưng dự kiến là 8 năm (phù hợp với quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư số 45/2013/TT- BTC là từ 7 - 15 năm), máy Photo được đưa vào sử dụng vào ngày 1/1/2023.
Chúng ta tiến hành xác định như sau:
Nguyên giá tài sản cố định = 45 triệu + 2 triệu + 1 triệu = 48 triệu đồng
Mức trích khấu hao trung bình hàng năm = 48 triệu : 8 năm = 6 triệu đồng/năm.
Mức trích khấu hao trung bình hàng tháng = 6 triệu đồng : 12 tháng = 0,5 triệu đồng/ tháng
Hàng năm, doanh nghiệp trích 6 triệu đồng chi phí trích khấu hao tài sản cố định đó vào chi phí kinh doanh.
Tiếp theo, sau 6 năm sử dụng, doanh nghiệp nâng cấp tài sản cố định với tổng chi phí là 20 triệu đồng, thời gian sử dụng được đánh giá lại là 3 năm (tăng 1 năm so với thời gian sử dụng đã đăng ký ban đầu), ngày hoàn thành đưa vào sử dụng là 1/1/2029.
Nguyên giá tài sản cố định = 48 triệu đồng + 20 triệu đồng = 68 triệu đồng
Số khấu hao luỹ kế đã trích = 6 triệu đồng (x) 6 năm = 36 triệu đồng
Giá trị còn lại trên sổ kế toán = 68 triệu đồng - 36 triệu đồng = 32 triệu đồng
Mức trích khấu hao trung bình hàng năm = 32 triệu đồng : 3 năm = 10.66 triệu đồng/ năm
Mức trích khấu hao trung bình hàng tháng = 10.66 triệu đồng : 12 tháng =888.889 đồng/ tháng
Từ năm 2029 trở đi, doanh nghiệp trích khấu hao vào chi phí kinh doanh mỗi tháng 888.889 đồng/ tháng đối với máy photo vừa được nâng cấp.