Loading...
Kế toán thiên ưng
Dạy hết sức - Học hết mình - nâng trình kế toán
Công ty kế toán Thiên Ưng
Dạy hết sức - Học hết mình - nâng trình kế toán
Học làm kế toán tổng hợp
Học kế toán thuế thực tế
Học phần mềm kế toán Fast - Misa
Học kế toán trên Excel thực tế
Thuế Thu Nhập Doanh Nghiệp
Kế Toán Thiên Ưng
Tình huống thuế thu nhập doanh nghiệp mới nhất năm 2024

Tổng hợp các tình huống mới nhất về thuế thu nhập doanh nghiệp 2024

Tiền thưởng từ tích điểm đơn hàng có tính làm chi phí được trừ không?
Theo Công văn số 24940/CTHN-TTHT ngày 26/4/2024 của Cục Thuế TP. Hà Nội về chứng từ để ghi nhận chi phí hợp lý đối với chương trình tích điểm tặng tiền của cửa hàng tiêu chuẩn thì:
Trường hợp Công ty phát sinh khoản chi trả thưởng bằng tiền mặt (3 triệu đồng) cho khách hàng khi khách hàng mua đơn hàng tích lũy với số tiền từ 150 triệu đồng thì Công ty được hạch toán vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính nêu trên.


Giải đáp vướng mắc thường gặp khi quyết toán thuế TNDN năm 2023

Ngày 12/3/2024, Tổng cục Thuế tổ chức Hội nghị Hỗ trợ trực tuyến quyết toán thuế năm 2023 với nội dung hướng dẫn, giải đáp vướng mắc liên quan đến quyết toán thuế TNDN năm 2023. Sau đây là một số nội dungvướng mắc thường gặp của tổ chức, doanh nghiệp đã được Tổng cục Thuế giải đáp:

Câu hỏi 1: Tôi là chủ doanh nghiệp tư nhân, có vay vốn ngân hàng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân thì khoản chi phí lãi vay có được tính vào chi phí được trừ của doanh nghiệp hay không?

Trả lời: Căn cứ quy định tại Luật doanh nghiệp về doanh nghiệp tư nhân và Luật thuế TNDN về khoản chi được trừ khi tính thuế TNDN và hướng dẫn của Ngân hàng nhà nước về hoạt động cho vay, trường hợp cá nhân là chủ doanh nghiệp tư nhân có thực hiện vay vốn theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, nếu khoản chi phí lãi vay mà cá nhân chủ doanh nghiệp tư nhân đã trả cho tổ chức tín dụng liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân và có đủ chứng từ theo quy định của pháp luật thì khoản chi trả lãi vay được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN của doanh nghiệp tư nhân.
 
Câu hỏi 2: Trường hợp của doanh nghiệp tôi đang hoạt động, được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo điều kiện có dự án đầu tư mới tại địa bàn khu kinh tế. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp tôi có bổ sung ngành nghề kinh doanh thì thu nhập từ hoạt động bổ sung có được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo dự án đang hoạt động hay không?
Trả lời: Luật thuế TNDN hiện hành quy định doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng đáp ứng điều kiện về lĩnh vực, địa bàn khuyến khích đầu tư (trong đó có địa bàn khu kinh tế) thì được ưu đãi thuế TNDN.
Vì vậy, cần căn cứ tình hình thực tế của doanh nghiệp bạn là ngành nghề bổ sung có thuộc phạm vi dự án đầu tư mới của doanh nghiệp hay là dự án đầu tư mở rộng, từ đó mới có cơ sở xác định ưu đãi thuế TNDN phù hợp theo quy định. Nếu ngành nghề bổ sung không gắn với dự án đầu tư tại địa bàn ưu đãi, doanh nghiệp không tăng vốn, không thực hiện đầu tư mở rộng để tăng tài sản thì thu nhập từ hoạt động này không được ưu đãi thuế TNDN.
 
Câu hỏi 3: Công ty tôi có mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động. Xin hỏi công ty tôi có được tính vào chi phí được trừ cho khoản tiền mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động này không?
Trả lời: Theo quy định tại khoản 3, Điều 3 Thông tư số 25/2018/TT-BTC ngày 16/3/2018 của Bộ Tài chính (sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC) thì phần chi vượt mức 03 triệu đồng/tháng/người để: Trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
   Căn cứ quy định trên thì về nguyên tắc khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động của Công ty được tính vào chi phí được trừ nếu khoản chi này đáp ứng các quy định về mức chi, hóa đơn, chứng từ. Ngoài ra, Công ty chỉ được trừ khoản chi này vào chi phí khi đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về bảo hiểm bắt buộc cho người lao động.

Câu hỏi 4: Doanh nghiệp tôi có mua một chiếc ô tô để phục vụ vận chuyển hàng hóa giữa các kho hàng. Tuy xe đã được sử dụng nhưng doanh nghiệp tôi vẫn chưa thực hiện xong thủ tục sang tên (xe vẫn mang tên chủ xe cũ). Xin hỏi doanh nghiệp tôi có được tính vào chi phí được trừ với phần trích khấu hao tài sản xe không?
Trả lời: Tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của BTC quy định chi khấu hao đối với tài sản cố định không có giấy tờ chứng minh thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp thì không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế (trừ tài sản cố định thuê mua tài chính).
Căn cứ quy định trên, doanh nghiệp có mua xe của một tổ chức, cá nhân khác nhưng chưa làm xong thủ tục sang tên, doanh nghiệp chưa có giấy tờ chứng minh được tài sản thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp thì khoản khấu hao tài sản xe ô tô này không được tính là chi phí được trừ khi xác định thuế TNDN.

Câu hỏi 5: Công ty tôi kinh doanh hàng mỹ phẩm. Tháng 10/2023, chúng tôi kiểm kê đã loại ra một số mặt hàng bị tồn đã quá hạn sử dụng. Chúng tôi đã lập bảng kê, ra quyết định hủy lô hàng trên. Tổng lô hàng này trị giá 125 triệu đồng. Xin cho biết giá trị lô hàng hỏng này có được tính vào chi phí được trừ không?
Trả lời: Đối với các sản phẩm hết hạn sử dụng phải tiêu hủy, nếu Doanh nghiệp có đầy đủ hồ sơ, tài liệu chứng minh thuộc trường hợp hàng hóa hết hạn sử dụng không được bồi thường thì được tính vào chi phí được trừ trong năm thực hiện tiêu hủy.  Doanh nghiệp lập Hồ sơ theo hướng dẫn tại tiết b, khoản 2.1 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của BTC.

Câu hỏi 6: Công ty chúng tôi đang được hưởng ưu đãi thuế TNDN cho dự án tại khu công nghiệp (miễn 2 giảm 4). Vào năm giảm thuế thứ hai, Công ty có giấy xác nhận ưu đãi cho sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho một số mặt hàng (được miễn 4 giảm 9). Công ty tách riêng được doanh thu và chi phí của sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Vậy xin hỏi khi công ty tôi áp dụng ưu đãi miễn thuế TNDN cho sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thì các sản phẩm không phải là sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tiếp tục được giảm 50% thuế TNDN theo điều kiện ưu đãi địa bàn không?
Trả lời: Luật thuế TNDN quy định đối tượng hưởng ưu đãi là thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới, dự án đầu tư mở rộng đáp ứng điều kiện về lĩnh vực, địa bàn được ưu đãi theo quy định của Luật Thuế TNDN (trong đó có dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển).
Tại khoản 4 Điều 18 Luật thuế TNDN quy định đối với trường hợp doanh nghiệp được hưởng nhiều mức ưu đãi khác nhau thì được lựa chọn áp dụng mức ưu đãi có lợi nhất.
Căn cứ các quy định trên thì trường hợp Công ty lựa chọn hưởng ưu đãi theo điều kiện ưu đãi có lợi nhất (sản xuất sản phẩm CNHT) đối với thu nhập phát sinh từ dự án đầu tư của công ty thì thu nhập phát sinh từ các sản phẩm không phải là sản phẩm CNHT không được hưởng ưu đãi thuế TNDN.

Câu hỏi 7: Công ty chúng tôi là công ty sản xuất phần mềm được ưu đãi thuế TNDN trong vòng 15 năm, trong năm 2023 Công ty chúng tôi có một khoản tiền vốn nhàn rỗi chưa dùng đến nên Công ty mang đi gửi có kỳ hạn tại ngân hàng và trong năm có phát sinh lãi. Vậy khi quyết toán thuế TNDN năm 2023 Công ty có được hưởng ưu đãi thuế TNDN với khoản thu nhập từ lãi tiền gửi có kỳ hạn của khoản tiền vốn nhàn rỗi không?
Trả lời: Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư số 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính về xác định thu nhập được hưởng thuế TNDN trong trường hợp  doanh nghiệp có dự án đầu tư được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp do đáp ứng điều kiện về lĩnh vực ưu đãi đầu tư, trường hợp doanh nghiệp bạn đang được hưởng ưu đãi theo lĩnh vực thì khoản lãi tiền gửi có kỳ hạn không được hưởng ưu đãi thuế TNDN do không liên quan trực tiếp đến hoạt động SXKD được hưởng ưu đãi.

Câu hỏi 8: Trong năm 2023 công ty tôi có vay ngân hàng, nhưng do khó khăn đến thời hạn Công ty chưa thanh toán được cho ngân hàng nên phải trả khoản lãi vay quá hạn. Như vậy DN có được trừ khoản khi tính thuế TNDN không?
Trả lời: Căn cứ quy định về các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế quy định tại  Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC, trường hợp doanh nghiệp phát sinh khoản chi trả lãi tiền vay để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, có đầy đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật, không thuộc các khoản chi không được trừ thì được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

Câu hỏi 9: Các khoản phạt hợp đồng thi công như phạt tiến độ thi công, phạt an toàn vệ sinh, phạt thất thoát vật tư thi công… những khoản chi trên có được tính vào chi phí hợp lý khi quyết toán thuế TNDN?
Trả lời: Căn cứ quy định về các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế quy định tại  Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC, trường hợp các khoản phạt hợp đồng thi công liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và có đầy đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định, không thuộc các khoản tiền phạt về vi phạm hành chính thì được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN. 

Câu hỏi 10: Doanh nghiệp tôi có chi trả khoản tiền lương của những ngày nghỉ phép chưa dùng trong năm cho người lao động trong doanh nghiệp thì khoản chi này có được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN hay không?
Trả lời: Trường hợp Công ty phát sinh khoản chi thanh toán những ngày phép chưa nghỉ cho người lao động đáp ứng quy định tại Bộ Luật lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành; quy định tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính thì được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế Thu nhập doanh nghiệp.

Câu hỏi 11: Trường hợp người lao động tự nguyện làm thêm giờ và doanh nghiệp có thanh toán khoản lương làm thêm giờ cho người lao động thì khoản chi phí tương ứng số giờ làm thêm vượt mức quy định tại Bộ luật lao động có đủ điều kiện là chi phí được trừ cho mục đích thuế TNDN hay không?
Trả lời: Theo pháp luật về lao động thì người lao động được làm thêm không quá 200 giờ/năm và một số ngành nghề công việc đặc biệt thì được làm thêm không quá 300 giờ/năm.
Theo pháp luật thuế, để được tính vào chi phí được trừ thì khoản chi phải có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định pháp luật.
Như vậy, khoản chi làm thêm giờ vượt mức 200-300 giờ/người/năm là vi phạm pháp luật về lao động nên không đảm bảo điều kiện để được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

Hàng bị lỗi mang tiêu hủy không được hạch toán chi phí
Căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP và Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC quy định về các khoản chi phí được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, về nguyên tắc, trường hợp Công ty TNHH Dệt may Lee Hing Việt Nam có hàng hóa bị lỗi, hỏng trong quá trình sản xuất không tái chế lại được và phải thực hiện tiêu hủy không thuộc các trường hợp được quy định của pháp luật thuế TNDN thì giá trị hàng hóa bị tiêu hủy không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Công văn số 796/TCT-CS ngày 20/3/2023 của Tổng cục Thuế về chính sách thuế đối với sản phẩm hỏng, lỗi trong quá trình sản xuất

Tài sản cố định bị hư hỏng, hạch toán chi phí chưa khấu hao hết như thế nào? có được tính vào chi phí được trừ không?
Theo Cục thuế Tp. Hà Nội, trường hợp Công ty phát sinh chi phí khấu hao TSCĐ không sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thì khoản chi này không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN theo quy định tại tiết a điểm 2.2 khoản 2 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC.
 
Đối với TSCĐ chưa khấu hao hết mà bị hư hỏng, không thể sửa chữa được thì thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 9 Thông tư 45/2013/TT-BTC. Theo đó, doanh nghiệp được dùng Quỹ dự phòng tài chính để bù đắp phần chênh lệch giữa giá trị còn lại của TSCĐ với tiền bồi thường (của tổ chức, cá nhân gây ra thiệt hại, của doanh nghiệp bảo hiểm) và giá trị thu hồi được (nếu có). Trường hợp Quỹ dự phòng tài chính không đủ bù đắp thì phần còn thiếu được tính vào chi phí hợp lý khi xác định thuế TNDN.
Công văn số 35356/CTHN-TTHT ngày 23/5/2023 của Cục Thuế TP. Hà Nội về thanh lý tài sản cố định (TSCĐ)

Các điều kiện hạch toán chi phí ủng hộ chống dịch
Điều kiện hạch toán chi phí ủng hộ, tài trợ chống dịch đã được quy định tại Nghị định 44/2021/NĐ-CP, theo đó, khoản chi này chỉ được hạch toán khi đảm bảo các điều kiện sau:
(i) Ủng hộ, tài trợ cho hoạt động phòng chống dịch tại Việt Nam (tức không chấp nhận khoản ủng hộ phòng chống dịch ở nước ngoài);
(ii) Ủng hộ, tài trợ thông qua các tổ chức quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định này (gồm: bệnh viện, trường học, cơ sở cách ly tập trung, quân đội, cơ quan báo chí, các cơ quan nhà nước có chức năng huy động tài trợ, quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo...);
(iii) Có đủ hồ sơ chi ủng hộ, tài trợ, gồm: biên bản xác nhận tài trợ (giấy hoặc điện tử) có chữ ký đóng dấu của doanh nghiệp và bên nhận tài trợ; hóa đơn, chứng từ chi tài trợ.
Cần lưu ý, quy định về hạch toán chi phí ủng hộ, tài trợ chống dịch tại Nghị định 44/2021/NĐ-CP chỉ áp dụng cho 02 kỳ tính thuế năm 2020 và 2021.
Công văn số 4952/TCT-CS ngày 17/12/2021 của Tổng cục Thuế về chính sách thuế đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho hoạt động phòng chống dịch Covid-19

Chi phí xét nghiệm, cách ly cho người lao động có được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN không? có bị tính vào thu nhập chịu thuế TNCN không?
- Về việc xác định chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN:
+ Đối với chi phí cách ly cho người lao động: Trường hợp doanh nghiệp ký hợp đồng lao động với người lao động trong đó có ghi khoản chi về tiền nhà do doanh nghiệp trả cho người lao động thì khoản chi phí trả cho cơ sở cách ly được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp nếu có đầy đủ hóa đơn, chứng từ và thanh toán theo quy định.
+ Khoản chi phí xét nghiệm Covid-19, tiêm vacxin cho người lao động được coi là khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động, nếu khoản chi phí này được thực hiện theo quy định tại Điểm 2.30 Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính (được sửa đổi bổ sung tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính) và tổng số chi có tính chất phúc lợi không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp khi có đầy đủ hóa đơn, chứng từ và thanh toán theo quy định.
- Về việc xác định thu nhập chịu thuế TNCN:
Trường hợp Công ty trong đợt dịch Covid-19 có phát sinh các khoản chi phí phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của pháp luật nếu các khoản chi này nội dung ghi rõ tên cá nhân hưởng thì được tính vào thu nhập chịu thuế TNCN theo quy định tại tiết đ.3.2 Khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC.
Theo Công văn số 31557/CTHN-TTHT ngày 13/8/2021 của Cục Thuế TP. Hà Nội về việc xác định chi phí liên quan đến phòng chống Covid-19
Công văn số 4110/TCT-DNNCN ngày 27/10/2021 của Tổng cục Thuế về chính sách thuế đối với khoản chi phí liên quan đến dịch Covid-19
Đối với các khoản chi phí cách ly y tế do dịch Covid - 19 ở trong nước và tại nước ngoài đối với trường hợp đi công tác tại nước ngoài (chi phí tiền ăn, tiền ở; chi phí xét nghiệm Covid - 19; chi phí đưa đón từ nơi nhập cảnh vào Việt Nam hoặc từ nơi phát hiện đối tượng phải thực hiện cách ly y tế đến cơ sở cách ly y tế; chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế; ...) để thực hiện theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các khoản chi phí xét nghiệm Covid - 19 hoặc mua kit xét nghiệm Covid - 19 cho người lao động, chi phí mua các thiết bị cho người lao động nhằm bảo vệ người lao động khỏi nguy cơ lây nhiễm trong quá trình làm việc và các chi phí ăn, ở của người lao động ở tại doanh nghiệp hoạt động theo phương án "3 tại chỗ" thì các khoản chi phí này được tính vào chi phí được trừ khi thuế thu nhập doanh nghiệp và không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của người lao động.

Điều kiện hạch toán chi phí mua hàng bằng thẻ ATM cá nhân là gì?
Trường hợp Công ty ủy quyền người lao động thanh toán thay chi phí mua hàng hóa, dịch vụ bằng thẻ tín dụng cá nhân, nếu đảm bảo các điều kiện sau thì được cho khấu trừ thuế đầu vào và hạch toán:
(i) công ty thanh toán lại cũng bằng chuyển khoản;
(ii) có quyết định ủy quyền hoặc quy định việc ủy quyền thanh toán này trong quy chế tài chính;
(iii) có đầy đủ hồ sơ, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Ngoài ra, Công ty cần phải lập danh sách các tài khoản thẻ tín dụng cá nhân của người lao động nhận ủy quyền thanh toán để cung cấp khi có yêu cầu.
Theo Công văn số 1333/CTTPHCM-TTHT ngày 22/2/2021 của Cục Thuế TP. HCM về việc khấu trừ thuế GTGT đối với khoản chi được thanh toán bằng thẻ tín dụng cá nhân 

Mua -Bán voucher tặng khách hàng:
- Bên bán: Trường hợp tổ chức có hoạt động bán thẻ/voucher cho các khách hàng là doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng hoặc cho, biếu, tặng thẻ/voucher thì khi thu tiền bán thẻ/voucher không phải lập hóa đơn mà lập phiếu thu, các khách hàng mua thẻ/voucher lập phiếu chi theo quy định.
- Bên mua: khi mua thẻ/voucher làm quà tặng cho khách hàng thì căn cứ vào chứng từ thu tiền của các tổ chức nêu trên, chứng từ chi tiền của đơn vị mình và các hồ sơ tài liệu có liên quan đến việc sử dụng thẻ/voucher phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị để tính chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN của đơn vị nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC.
Theo Công văn số 1986/CTHN-TTHT ngày 15/1/2021 của Cục Thuế TP. Hà Nội về việc xác định chi phí được trừ khi tính thuế TNDN 

Tiệc tất niên được hạch toán vào chi phí phúc lợi
Khoản chi tổ chức tất niên cho người lao động được coi là chi phí phúc lợi.
Khoản chi này nếu đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2.30 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC và tổng số chi không quá 1 tháng lương bình quân/năm thì được hạch toán vào chi phí được trừ
Theo Công văn số 109325/CTHN-TTHT ngày 23/12/2020 của Cục Thuế TP. Hà Nội về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN 
Ngoài ra thì: Theo Công văn số 3531/CT-TTHT ngày 7/4/2020 của Cục Thuế TP. HCM về thuế TNDN
trường hợp Công ty có phát sinh khoản chi có tính chất phúc lợi cho người lao động (mua thức ăn, tiệc cuối năm, tiệc giáng sinh) nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 10 Điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BTC, Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC và tổng các khoản chi có tính chất phúc lợi không vượt quá một tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm của Công ty thì được khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT và tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.

Chi phí chống dịch Covid-19 tại doanh nghiệp (mua khẩu trang, nước sát khuẩn kể cả trang bị bảo hộ và xét nghiệm truyền nhiễm) có được trừ khi tính thuế TNDN và được miễn khi tính thuế TNCN không?
* Đối với thuế TNDN:
- Được trừ khi tính thuế TNDN nhưng bị khống chế theo các khoản chi có tính chất phúc lợi (tổng số chi có tính chất phúc lợi không quá 01 tháng lương binh quân thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.)
* Đối với thuế TNCN:

+ Nếu khoản chi ghi đích danh người nhận thì tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của chính người đó.
+ Ngược lại, nếu chi chung cho "tập thể người lao động" thì được miễn tính thuế TNCN
Theo Công văn số 44403/CT-TTHT ngày 1/6/2020 của Cục Thuế TP. Hà Nội về thuế TNDN, TNCN đối với khoản chi cho nhân viên trong đợt dịch Covid-19

Thanh toán tiền thuê nhà của cá nhân có bắt buộc phải chuyển khoản không?
Việc thanh toán không dùng tiền mặt chỉ áp dụng trong trường hợp khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT). Trường hợp Viện chuyên ngành vật liệu xây dựng và bảo vệ công trình thuê nhà của cá nhân để làm văn phòng thì hồ sơ để xác định chi phí được trừ là hợp đồng thuê tài sản và chứng từ trả tiền thuê tài sản. Cá nhân cho thuê tài sản không phải lập hóa đơn trong trường hợp này.
=> Vì vậy không bắt buộc phải chuyển khoản để thanh toán tiền thuê nhà cho cá nhân dù giá trị thanh toán có từ 20 triệu đồng trở lên
Theo Công văn số 30300/CT-TTHT ngày 5/5/2020 của Cục Thuế TP. Hà Nội về việc xác định chi phí được trừ đối với khoản tiền thuê nhà

Chi tài trợ vốn, thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh cho bệnh viện, tài trợ tiền cho người bệnh
Theo Công văn số 31443/CT-TTHT ngày 7/5/2020 của Cục Thuế TP. Hà Nội thì rường hợp Công ty có khoản chi tài trợ cho y tế nếu đúng đối tượng (tài trợ vốn, thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh cho bệnh viện, tài trợ tiền cho người bệnh) và có đủ hồ sơ (biên bản xác nhận tài trợ, hóa đơn, chứng từ chi tiền...) theo quy định tại khoản 2.23 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC thì được chấp nhận hạch toán.

Chi phí thuê văn phòng của chi nhánh
Trường hợp Công ty ký hợp đồng thuê văn phòng nhưng thực tế không sử dụng mà cho Chi nhánh sử dụng thì các bên phải xem xét điều chỉnh hợp đồng để làm cơ sở phát hành hóa đơn theo đúng tên người thuê là Chi nhánh.
Việc kê khai khấu trừ thuế GTGT và hạch toán chi phí đối với Chi nhánh thực hiện theo quy định tại khoản 10 Điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BTC và Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC .
Theo Công văn số 3351/CT-TTHT ngày 21/1/2020 của Cục Thuế TP. Hà Nội

Chi phí quảng cáo qua Google, Facebook của công ty cần những hồ sơ gì để được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN?
Công ty được hạch toán vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN đối với khoản chi phí quảng cáo qua Google, Facebook nếu thực tế có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đáp ứng điều kiện về hóa đơn, chứng từ về thanh toán theo quy định. Nếu không có hóa đơn (do Google, Facebook không sử dụng hóa đơn tại Việt Nam) thì phải có tờ khai và chứng từ nộp thuế nhà thầu nước ngoài theo quy định.
Theo Công văn số 45551/CT-TTHT ngày 13/6/2019 của Cục Thuế TP Hà Nội

Trong năm 2020 công ty có hoạt động cho thuê tài sản, bên thuê trả tiền trước cho nhiều năm thì doanh thu để tính thu nhập chịu thuế TNDN được xác định như thế nào?
Trường hợp bên thuê trả tiền trước cho nhiều năm thì doanh thu để tính thu nhập chịu thuế được phân bổ cho số năm trả tiền trước hoặc được xác định theo doanh thu trả tiền một lần. Doanh nghiệp căn cứ điều kiện thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ thực tế và việc xác định chi phí, có thể lựa chọn một trong hai phương pháp xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế như sau:
- Phương pháp 1: Là số tiền cho thuê tài sản của từng năm được xác định bằng (=) số tiền trả trước chia (:) số năm trả tiền trước.
- Phương Pháp 2: Là toàn bộ số tiền cho thuê tài sản của số năm trả tiền trước.
Theo Điểm e Khoản 3 Điều 5 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính

Mua hàng hóa tặng khách hàng, doanh nghiệp có được khấu trừ thuế GTGT, tính chi phí được trừ? 
Trường hợp doanh nghiệp kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ có phát sinh hoạt động mua hàng hóa dùng để tặng khách hàng thì:
- Doanh nghiệp phải lập hóa đơn, kê khai, tính nộp thuế GTGT như hóa đơn xuất bán hàng hóa cho khách hàng, giá tính thuế GTGT được xác định theo giá bán của hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh hoạt động tặng khách hàng.
- Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa mua ngoài mà doanh nghiệp sử dụng để tặng khách hàng dưới các hình thức, phục vụ cho sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT nếu đáp ứng các điều kiện khấu trừ quy định tại Khoản 10 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính thì được khấu trừ theo nguyên tắc quy định tại Khoản 5 Điều 14 Thông tư số 219/2013/TT-BTC.
- Khoản chi phí mua hàng hóa tặng khách hàng của doanh nghiệp nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC thì được trừ khi khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Theo Công văn số 90157/CT-TTHT ngày 02/12/2019

Mua vé máy bay điện tử cần chứng từ gì để hạch toán vào chi phí được trừ?
Theo quy định tại khoản 2.9 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC, trường hợp Công ty mua vé máy bay điện tử cho Giám đốc đi công tác nước ngoài thì chứng từ hạch toán chi phí cần có: vé máy bay, thẻ lên máy bay và chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Trường hợp Công ty không thu hồi được thẻ lên máy bay thì phải nộp bổ sung quyết định hoặc văn bản cử đi công tác.
Theo Công văn số 8864/CT-TTHT ngày 20/8/2019 của Cục Thuế TP. HCM về vé máy bay điện tử nước ngoài

Hoạt động cho thuê văn phòng phát sinh chi phí môi giới phải trả cho các công ty môi giới tìm khách thuê thì có được tính vào chi phí được trừ?
 Công ty có hoạt động cho thuê văn phòng phát sinh chi phí môi giới phải trả cho các công ty môi giới tìm khách thuê thì công ty được hạch toán vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính.
Theo công văn số 15336/CT-TTHT ngày 05/4/2019 của Cục Thuế TP Hà Nội

Chi bằng tiền mặt tặng cho khách hàng, người dân tham dự khi tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng có được tính vào chi phí được trừ?
Công ty tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng có phát sinh khoản chi bằng tiền mặt tặng cho khách hàng, người dân tham dự thì Công ty được hạch toán vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính.
Theo công văn số 26997/CT-TTHT ngày 26/4/2019 của Cục Thuế TP Hà Nội

Không được hạch toán chi phí kinh doanh của năm trước vào năm sau
Theo quy định về thuế TNDN, một trong những nguyên tắc hạch toán chi phí là phải tương ứng với doanh thu tính thuế.
Theo đó, chi phí kinh doanh của năm nào thì hạch toán vào chính năm đó, không được hạch toán dồn vào năm sau.
Theo Công văn số 1961/CT-TTHT ngày 8/3/2019 của Cục Thuế TP. HCM

Công tác phí khoán được miễn hóa đơn
Trường hợp Chi nhánh Công ty chi trả tiền đi lại, ăn ở, phụ cấp cho người lao động đi công tác nếu không theo hình thức khoán thì bắt buộc phải có hóa đơn, chứng từ khi hạch toán.
Ngược lại, nếu tiền đi lại, ăn ở, phụ cấp đi công tác được trả dưới hình thức khoán thì được miễn hóa đơn, chứng từ, nhưng phải phù hợp với hạn mức khoán trong quy chế tài chính (khoản 2.9 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC ).
Các khoản chi nêu trên nếu đáp ứng điều kiện hạch toán thì đồng thời cũng được miễn tính thuế TNCN (điểm đ.4 khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC ).
Theo Công văn số 89342/CT-TTHT ngày 28/11/2019 của Cục Thuế TP. Hà Nội

Chi tiền công tác phí của chủ Công ty MTV có được hạch toán vào làm chi phí không?
Theo quy định tại tiết d điểm 2.6 khoản 2 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC, tiền lương, tiền công của chủ Công ty TNHH MTV không được coi là chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN.
Các chi phí ăn uống, đi lại, thuê chỗ ở,... cho Giám đốc kiêm chủ Công ty TNHH MTV đi công tác nếu thuộc khoản chi có tính chất tiền lương, tiền công thì không được phép hạch toán.
Theo Công văn số 78143/CT-TTHT ngày 14/10/2019 của Cục Thuế TP. Hà Nội

Hàng hết date buộc tiêu hủy vẫn được khấu trừ thuế và hạch toán chi phí
Theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Thông tư 219/2013/TT-BTC, hàng hóa quá hạn sử dụng phải tiêu hủy và không được bồi thường sẽ được kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
Ngoài ra, hàng hóa tổn thất do quá hạn sử dụng cũng được hạch toán chi phí khi đáp ứng hồ sơ quy định tại khoản 2.1 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC .
Theo đó, trường hợp Công ty nhập khẩu thực phẩm chức năng để bán tại thị trường Việt Nam nhưng hàng đã hết date, buộc phải tiêu hủy và không được bồi thường thì sẽ được khấu trừ thuế GTGT và hạch toán chi phí.
Theo Công văn số 9646/CT-TTHT ngày 4/9/2019 của Cục Thuế TP. HCM

Chi phí trước khi thành lập DN đứng tên cá nhân/tổ chức chi hộ
Theo quy định tại khoản 12.b Điều 14 Thông tư 219/2013/TT-BTC, các sáng lập viên nếu có ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác chi hộ một số chi phí trước khi thành lập Công ty thì sau khi thành lập, Công ty được kê khai khấu trừ các hóa đơn đầu vào mang tên của tổ chức, cá nhân chi hộ.
Theo đó, trường hợp Công ty nước ngoài ủy quyền cho một cá nhân đứng ra trả hộ chi phí trước khi thành lập Công ty con ở Việt Nam, các hóa đơn đầu vào sẽ mang tên của Công ty nước ngoài hoặc người chi hộ thì sau khi thành lập, Công ty con vẫn được khấu trừ và hạch toán các hóa đơn này.
Trường hợp Công ty nước ngoài sẽ chi trả các chi phí trước khi thành lập Công ty con và tính bù trừ vào phần vốn phải góp, nếu phương thức thanh toán bù trừ này được quy định cụ thể bằng văn bản và có biên bản đối chiếu số liệu bù trừ giữa hai bên thì được chấp nhận theo quy định tại khoản 10 Điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BTC .
Theo Công văn số 67819/CT-TTHT ngày 28/8/2019 của Cục Thuế TP. Hà Nội

"Phí chuyển tiền" có được tính làm chi phí được trừ?
Theo Công văn số 66951/CT-TTHT ngày 26/8/2019 của Cục Thuế TP. Hà Nội, trường hợp doanh nghiệp phát sinh "phí chuyển tiền" nếu đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC (phục vụ SXKD, có hóa đơn, có chứng từ thanh toán) thì được tính vào chi phí hợp lý.

Mua hàng trực tuyến, có thể thay hóa đơn bằng chứng từ nộp thuế nhà thầu
Trường hợp Công ty mua phần mềm trực tuyến của nhà cung cấp ở nước ngoài thì phải có trách nhiệm khấu trừ, kê khai nộp thay thuế nhà thầu theo quy định tại Điều 11, 12, 13 Thông tư 103/2014/TT-BTC .
Công ty được hạch toán chi phí mua phần mềm trực tuyến nếu thực tế có liên quan đến hoạt động SXKD và đáp ứng điều kiện về hóa đơn, chứng từ thanh toán theo quy định tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC .
Trường hợp nhà cung cấp nước ngoài không có hóa đơn đáp ứng theo quy định của Việt Nam, Công ty phải xuất trình tờ khai và chứng từ nộp thuế nhà thầu để làm căn cứ hạch toán chi phí.
Theo Công văn số 53582/CT-TTHT ngày 8/7/2019 của Cục Thuế TP. Hà Nội

Chi phí khám sức khỏe định kỳ cho người lao động được phép hạch toán vào chi phí được trừ
Theo quy định tại khoản 2 Điều 152 Bộ luật lao động số 10/2012/QH13, doanh nghiệp phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động ít nhất 1 lần/năm và ít nhất 6 tháng/lần đối với: lao động nữ khám chuyên khoa phụ sản, người lao động khuyết tật, người làm công việc nặng nhọc, độc hại, người lao động vị thành niên, người lao động cao tuổi.
Theo Cục thuế TP. Hà Nội, chi phí khám sức khỏe định kỳ cho người lao động được phép hạch toán vào chi phí hợp lý nếu đáp ứng điều kiện về hóa đơn, chứng từ thanh toán theo quy định tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC .
Theo công văn số 51359/CT-TTHT ngày 1/7/2019 của Cục Thuế TP. Hà Nội

Các khoản chi từ thiện, giáo dục, y tế như thế nào thì được tính vào chi phí được trừ?
Đối với các khoản chi vì mục đích tài trợ cho giáo dục, y tế, khắc phục hậu quả thiên tai, làm nhà tình nghĩa, làm nhà cho người nghèo, làm nhà đại đoàn kết; tài trợ cho nghiên cứu khoa học, tài trợ cho các đối tượng chính sách theo quy định của pháp luật, tài trợ theo chương trình của Nhà nước dành cho các địa phương thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thông qua các cơ quan, tổ chức có chức năng huy động tài trợ theo quy định của pháp luật, Công ty được hạch toán vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN nếu khoản chi cho đúng đối tượng và có đủ hồ sơ xác định khoản tài trợ theo quy định.
Theo công văn số 3780/CT-TTHT ngày 23/01/2019 của Cục Thuế TP Hà Nội

Chi phí thuê kho chứa hàng để lưu giữ hàng hóa của Công ty có được tính vào chi phí được trừ?
Công ty phát sinh hoạt động thuê kho chứa hàng để lưu giữ hàng hoá của công ty phù hợp với các quy định của pháp luật liên quan thì khoản chi phí thuê kho này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN nếu hoạt động thuê kho nhằm phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty và chi phí thuê kho đáp ứng các quy định tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC.
Theo công văn số 7624/CT-TTHT ngày 27/02/2019 của Cục Thuế TP Hà Nội

Trả tiền thuê nhà ở và tiền điện, nước đi kèm cho Giám đốc Công ty TNHH một thành viên thì khoản chi này có được hạch toán vào chi phí được trừ? 
Công ty TNHH một thành viên do một cá nhân làm chủ trả tiền thuê nhà ở và tiền điện, nước đi kèm cho Giám đốc Công ty (đồng thời là chủ sở hữu Công ty) thì khoản chi này không được hạch toán vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.
Theo công văn số 47005 /CT-TTHT ngày 18/06/2019 của Cục Thuế TP Hà Nội
 Tiền lương, tiền công, và các khoản chi theo lương (bao gồm cả các khoản bảo hiểm) của chủ công ty TNHH một thành viên do một cá nhân làm chủ (không phân biệt có hay không tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh) không được hạch toán vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.
(Theo công văn số 13697 /CT-TTHT ngày 29/03/2019 của Cục Thuế TP Hà Nội)

Công ty thực hiện chi trả lương tháng thứ 13 cho người lao động thì có được hạch toán vào chi phí được trừ?
Công ty thực hiện chi trả lương tháng thứ 13 cho người lao động (theo mức Công ty tự quyết định phù hợp với quy định của Bộ Luật Lao động), nếu được ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thoả ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty thì được hạch toán vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Theo Công văn số 5275/CT-TTHT ngày 30/1/2019 của Cục Thuế TP Hà Nội

Trợ cấp tiền nhà theo HĐLĐ được hạch toán chi phí
Trường hợp tại HĐLĐ quy định hàng tháng Công ty sẽ trợ cấp tiền nhà cho người lao động như một khoản tiền lương, tiền công và khoản chi này có đầy đủ hóa đơn, chứng từ thì được hạch toán vào chi phí hợp lý theo khoản 2.6 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC .
Công văn số 82448/CT-TTHT ngày 26/12/2017 của Cục Thuế TP. Hà Nội

Các khoản chi lễ 8/3, 1/6, sinh nhật, sinh con, trung thu, tiền lì xì cho nhân viên... đều thuộc nhóm các khoản chi có tính chất phúc lợi
Doanh nghiệp tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN Nhưng các khoản này phải cộng vào các khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động để xác định mức được trừ cụ thể.
Công văn số 5435/TCT-CS ngày 27/11/2017 của Tổng cục Thuế về chính sách thuế TNDN
 
Phí đào tạo ngoại ngữ cho nhân viên được hạch toán
Trường hợp Công ty có phát sinh chi phí thuê người nước ngoài dạy ngoại ngữ cho cán bộ, công nhân viên nhằm phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh thì được căn cứ vào hợp đồng dịch vụ và chứng từ thanh toán để tính vào chi phí hợp lý.
Công văn số 7546/CT-TTHT ngày 10/8/2017 của Cục Thuế TP. HCM
 
Chi phí mua sách cho nhân viên
Khoản chi mua sách chuyên ngành cho nhân viên tham khảo để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nếu đáp ứng các điều kiện nêu trên thì Khoản chi này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Công văn số 2759/TCT-CS ngày 23/6/2017 của Tổng cục Thuế

Tình huống thuế TNDN 
Mất tiền đặt cọc do vi phạm hợp đồng được tính vào chi phí
Trường hợp Công ty ký hợp đồng thuê mặt bằng, có đặt cọc một khoản tiền giữ chỗ nhưng về sau không thực hiện hợp đồng nên bị mất cọc thì số tiền cọc bị mất được tính vào chi phí hợp lý.
Hồ sơ hạch toán cần có: hợp đồng thuê mặt bằng (quy định rõ việc mất cọc nếu không thực hiện hợp đồng), chứng từ chi tiền.
Công văn số 3603/CT-TTHT ngày 24/4/2017 của Cục Thuế TP. HCM
Trường hợp Công ty thuê văn phòng nhưng do chấm dứt hợp đồng thuê trước thời hạn nên không được trả lại khoản tiền đặt cọc thuê nhà (khoảng 100 triệu đồng) thì các hồ sơ chứng từ như hợp đồng thuê (có quy định việc chấm dứt hợp đồng thuê trước thời hạn sẽ không được hoàn trả tiền đặt cọc) chứng từ chi... là căn cứ để Công ty tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN
Công văn số 6627/CT-TTHT ngày 13/7/2016 của Cục Thuế TP. HCM về chi phí được trừ
 
Tặng quà cho khách hàng nhân dịp lễ tết
Trường hợp Công ty mua hàng hóa (rượu, trà, bánh, kẹo) để tặng khách hàng trong các dịp lễ, tết nhằm tri ân, duy trì, phát triển mối quan hệ với khách hàng thì khoản chi này được xem là liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, nếu có đầy đủ hóa đơn, chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt (đối với hóa đơn trị giá từ 20 triệu đồng) thì được trừ khi tính thuế TNDN.
Cần lưu ý, khi biếu tặng hàng hóa cho khách hàng, Công ty vẫn phải lập hóa đơn, tính thuế GTGT như hàng bán ra. Nhưng không phải ghi nhận doanh thu để tính thuế TNDN.
Công văn số 12129/CT-TTHT ngày 9/12/2016 của Cục Thuế TP. HCM
 
Khoản lãi phát sinh do chậm thanh toán
Trường hợp Công ty có phát sinh chi phí tiền lãi do chậm thanh toán theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán hàng hóa thì khoản chi tiền lãi này được hạch toán vào chi phí hợp lý.
Công văn số 464/CT-TTHT ngày 16/1/2017 của Cục Thuế TP. HCM
 
Tiền ăn trả vào lương, chi phí mua thêm thức ăn không được chấp nhận
Trường hợp Công ty đã trả phụ cấp tiền ăn cho nhân viên vào lương, đồng thời có mua thêm thức ăn (mì gói, bánh ngọt, nước ngọt...) để dự trữ cho nhân viên thì chi phí mua thêm thức ăn dự trữ này không được chấp nhận.
Công văn số 6627/CT-TTHT ngày 13/7/2016 của Cục Thuế TP. HCM
 
 
Hóa đơn mua vào lập không đúng thời điểm
Trường hợp Công ty có mua nguyên vật liệu nhưng bên bán lập hóa đơn trễ so với quy định (giao hàng tháng trước nhưng tháng sau mới lập hóa đơn), nếu các điều kiện khác vẫn đáp ứng thì Công ty vẫn được tính vào chi phí hợp lý, được kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
- Hồ sơ cần có:
+ Hợp đồng kinh tế
+ Biên bản giao nhận hàng hóa (tháng giao)
+ Hóa đơn
+ Chứng từ thanh toán đúng quy định.
Đối với bên bán sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi lập hóa đơn không đúng thời điểm
Công văn số 2731/TCT-CS ngày 20/6/2016 của Tổng cục Thuế
Được kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo công văn 2104/TCT-KK ngày 06/06/2014
 
Tiền hàng ứng trước không thu hồi được
Trường hợp Công ty có phát sinh khoản tiền ứng trước không thu hồi được từ nhà cung cấp nước ngoài thì đây là khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế nên không được tính vào chi phí được trừ
Công văn số 4789/CT-TTHT ngày 26/5/2016 của Cục Thuế TP. HCM
 
Thuê cá nhân vận chuyển bằng xe ba gác, xe máy (xe ôm), may gia công
Trường hợp Công ty có thuê các cá nhân cung cấp dịch vụ vận chuyển bằng xe máy, may gia công với mức doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm.
Căn cứ vào hợp đồng, chứng từ chi tiền, chứng từ khấu trừ thuế Công ty lập bảng kê 01/TNDN để hạch toán vào chi phí hợp lý
Nếu tổng mức chi trả thu nhập từ 02 triệu đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế TNCN theo tỷ lệ 10%, trừ trường hợp cá nhân có lập cam kết thu nhập thấp thì miễn khấu trừ.
Công văn số 22684/CT-HTr ngày 22/4/2016 của Cục Thuế TP. Hà Nội
Công văn số 2019/CT-TTHT ngày 9/3/2015 của Cục Thuế TP. HCM
 
Tiền lì xì cho nhân viên
Trường hợp Công ty có chi chi lì xì mừng năm mới thì được xem là một khoản chi "phúc lợi" được trừ khi tính thuế TNDN
Công văn số 2489/CT-TTHT ngày 24/3/2016 của Cục Thuế TP. HCM
 
Chi phí tàu xe hỗ trợ người lao động
Trường hợp Chi nhánh có chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết, thì được xem là một khoản chi "phúc lợi" được trừ khi tính thuế TNDN
Công văn số 2425/CT-TTHT ngày 23/3/2016 của Cục Thuế TP. HCM
 
Thanh toán bằng thẻ tín dụng của cá nhân đối với các khoản có hóa đơn từ 20 triệu đồng trở lên
Trường hợp Công ty ủy quyền cho cá nhân là người lao động của Công ty sử dụng thẻ tín dụng cá nhân để thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ cho người bán, sau đó Công ty sẽ thanh toán cho cá nhân thông qua hình thức chuyển khoản ngân hàng từ tài khoản của Công ty đã đăng ký với cơ quan thuế vào tài khoản của cá nhân.
Nếu hình thức thanh toán này được:
+ Quy định cụ thể tại quy chế quản lý tài chính của Công ty
+ Hoặc Quyết định về việc ủy quyền của Công ty cho cá nhân
+ Đồng thời các khoản chi nêu trên có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ mang tên và mã số thuế của Công ty; hồ sơ liên quan đến việc ủy quyền của doanh nghiệp cho cá nhân thanh toán với người bán và thanh toán lại với doanh nghiệp;
+ Có chứng từ chuyển tiền từ tài khoản thẻ tín dụng của cá nhân cho người bán.
+ Có chứng từ chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng của Công ty cho cá nhân
=> Thì hình thức thanh toán trên được coi là đáp ứng đủ điều kiện chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt, làm căn cứ để kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào và được tính, vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Công ty có trách nhiệm lập và theo dõi danh sách các tài khoản thẻ tín dụng cá nhân của người lao động được ủy quyền để thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ theo hình thức nói trên và cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền khi cần.
Công văn số 5465/TCT-KK ngày 25/11/2016 của Tổng cục Thuế về việc khấu trừ thuế GTGT đối với khoản chi thanh toán bằng thẻ tín dụng cá nhân
 
Khoản chi phương tiện đi dự đám hiếu hỷ
khoản chi phương tiện đi dự đám hiếu, hỷ của người lao động cũng được chấp nhận là khoản chi phúc lợi và được trừ khi tính thuế TNDN.
Công văn số 43626/CT-HTr ngày 3/7/2015 của Cục Thuế TP. Hà Nội
  
 
Chi phí tiền lương  của những đối tượng phải tham gia BH bắt buộc nhưng không đóng
Theo Công văn này, chi phí tiền lương chỉ cần có đầy đủ các chứng từ sau là được chấp nhận, không bắt buộc phải có chứng từ đóng BHXH:
1. Chứng từ chi lương;
2. Bảng lương;
3. Hợp đồng lao động;
4. Chứng từ nộp thuế TNCN.
Do vậy, trường hợp doanh nghiệp có vi phạm quy định về BHXH (không đóng BHXH chẳng hạn) thì chi phí tiền lương vẫn được chấp nhận
Công văn số 3884/TCT-CS ngày 18/11/2013 của Tổng cục Thuế về chính sách thuế TNDN
 
Về chi phí cải tạo, sửa chữa văn phòng
Trường hợp doanh nghiệp phát sinh chi phí cải tạo, sửa chữa văn phòng (văn phòng đi thuê) được quy định rõ trong hợp đồng thuê là bên đi thuê có trách nhiệm cải tạo, sửa chữa trong thời gian thuê thì chi phí cải tạo, sửa chữa lại văn phòng này được hạch toán vào chi phí hoặc phân bổ dần vào chi phí nhưng thời gian tối đa không quá 03 năm.
Công văn số 38267/CT-TTHT ngày 7/6/2017 của Cục Thuế TP. Hà Nội về chính sách thuế
 
KẾ TOÁN THIÊN ƯNG XIN CHÚC CÁC BẠN LÀM TỐT

Mời các bạn tham khảo thêm:

Các khoản chi phí không được trừ khi tính thuế TNDN


Bình chọn bài viết
Xem kết quả: / 24 số bình chọn
Bình thường Tuyệt vời
Chia sẻ bạn bè
Giảm 30% học phí khóa học kế toán online
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính quý năm 2024
Hướng dẫn Cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính theo quý theo luật thuế TNDN mới nhất hiện hành năm 20...
Cách xác định lãi lỗ và chuyển lỗ thuế TNDN vào năm 2024
Hướng dẫn cách xác định lãi lỗ và cách chuyển lỗ giữa các quý, các năm khi tính và quyết toán thuế thu nhập do...
Mẫu bảng kê 01/TNDN theo thông tư 78 mới nhất năm 2024
Mẫu bảng kê chi phí không có hóa đơn - Mẫu 01/TNDN theo thông tư 78 trên Excel
Cách làm tờ khai quyết toán thuế TNDN 2023 vào đầu năm 2024
Hướng dẫn cách lập tờ khai quyết toán thuế TNDN mẫu 03/TNDN trên phần mềm HTKK cho năm 2023 vào đầu năm 2024
Cách làm phụ lục chuyển lỗ 03-2/TNDN trên phần mềm HTKK
Hướng dẫn cách lập phụ lục 03-2/TNDN theo TT 80/2021 Chuyển lỗ từ hoạt động SXKD trên phần mềm HTKK khi làm tờ...
Cách làm Phụ lục tờ khai quyết toán thuế TNDN 2024: Mẫu 03-1A/TNDN
Hướng dẫn cách lập Cách làm Phụ lục tờ khai quyết toán thuế TNDN: Mẫu 03-1A/TNDN - Kết quả hoạt động sản xuất ...
Hotline : 0987 026 515
.
Email: ketoanthienung@gmail.com
Giới thiệu về thiên ưng
Đang trực tuyến: 46
Tổng truy cập: 128.240.735

KẾ TOÁN THIÊN ƯNG

Hotline: 0987 026 515

Email: hotroketoan68@gmail.com

KẾ TOÁN THIÊN ƯNG DMCA.com
HÀ NỘI: Có 5 cơ sở
CS1:  Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội. 
CS2:  Định Công - Phương Liệt - Thanh Xuân - Hà Nội
CS3: Nguyễn Trãi - Thanh Xuân - Hà Nội
CS4: Nguyễn Văn Linh - Sài Đồng - Long Biên
CS5: Trần Phú - Mộ Lao - Hà Đông - Hà Nội. 
 
HỒ CHÍ MINH: Có 2 cơ sở
CS6:  Đường CMT8, Phường 11, Quận 3, TP. HCM
CS7:  Phường Hiệp Bình Chánh, Q. Thủ Đức, TP. HCM
   

 
 
Giảm giá 30% học phí khóa học thực hành kế toán online
Giảm giá 30% học phí khóa học thực hành kế toán online
Công ty kế toán Thiên Ưng - thương hiệu tin dùng
[X] Đóng lại













chương trình khuyến mại